Phát triển bền vững giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ tư - 29/09/2021 15:55
Ngày 29/9, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Ngô Thị Minh chủ trì Hội thảo tổng kết 5 năm (2016-2020) thực hiện Quyết định 5596/QĐ-BGDĐT và góp ý vào dự thảo Kế hoạch thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với điểm cầu chính tại Bộ GDĐT kết nối tới 60 điểm cầu trong cả nước.
Phát triển bền vững giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 29/9, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Ngô Thị Minh chủ trì Hội thảo tổng kết 5 năm (2016-2020) thực hiện Quyết định 5596/QĐ-BGDĐT và góp ý vào dự thảo Kế hoạch thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với điểm cầu chính tại Bộ GDĐT kết nối tới 60 điểm cầu trong cả nước.

 

Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì hội thảo tại điểm cầu Bộ GDĐT

Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 5596/QĐ-BGDĐT, các chỉ tiêu của mục tiêu phát triển bền vững đề ra như: Phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ; Tăng cường bình đẳng giới trong giáo dục đối với các dân tộc thiểu số đã đạt hoặc vượt tỷ lệ tăng bình quân đặt ra.

Cụ thể, đối với mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ, nếu tính theo vùng thì cao nhất là khu vực Đông Bắc, đạt 99,906%. Thấp nhất là khu vực Tây Nguyên, đạt 97,893%. Nếu tính theo dân tộc, hầu hết các tỉnh vùng dân tộc thiểu số, miền núi đạt tỷ lệ trẻ em đi học tiểu học đúng độ tuổi trên 94% và đạt mức tăng trưởng bình quân 0,5%/năm, là chỉ số đạt và vượt chỉ tiêu của Mục tiểu phát triển Thiên niên kỷ đề ra cho năm 2020. Đáng chú ý, có tới 50/53 dân tộc thiểu số đạt và vượt chỉ tiêu, 7 dân tộc thiểu số rất ít người đạt 100%.

Đối với chỉ tiêu về hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, tính đến năm 2020, tất cả các tỉnh vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã vượt chỉ tiêu học sinh hoàn thành chương trình tiểu học. Nếu tính chung cả nước thì tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đối với học sinh dân tộc thiểu số đạt 99,3%, vượt 5,3% so với chỉ tiểu đề ra là 94%. Cùng với đó, chỉ tiêu đến năm 2020 có 92% số người dân tộc thiêu số từ 15-60 tuổi biết chữ thì đã có 6 vùng đạt và vượt chỉ tiêu, 2 vùng chưa đạt chỉ tiêu.

Đối với mục tiêu tăng cường bình đẳng giới trong giáo dục đối với các dân tộc thiểu số, báo cáo cho thấy tỷ lệ biết chữ của phụ nữ dân tộc thiểu số từ 15-60 tuổi tính theo vùng đạt từ 86,855% - 98,699%. Tỷ lệ này so với mục tiêu đề ra cho năm 2020 là trên 80% thì việc thực hiện chỉ tiêu này trên toàn quốc và ở tất cả các vùng đã vượt yêu cầu.

Các đại biểu tham dự hội thảo đều khẳng định, kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Quyết định 5596/QĐ-BGDĐT đã thể hiện sự nỗ lực, sự quan tâm của các ban, ngành đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiể số gắn với mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.

Các đại biểu đồng thời cũng nêu lên một số khó khăn, cũng như bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong lĩnh giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Các ý kiến khẳng định, để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững giáo dục và đào tạo khu vực dân tộc thiểu số thì không chỉ dựa vào một mình ngành giáo dục, mà cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định, những chỉ số trong giai đoạn 5 năm qua về phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức quan trọng. Những chỉ số này cho thấy nỗ lực của các cấp, các ngành và các địa phương trong 5 năm qua để từng bước nâng cao và phát triển bền vững giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Thứ trưởng đánh giá cao các ý kiến tham luận, đóng góp cho dự thảo, thể hiện trách nhiệm với các mục tiêu để phát triển một cách bền vững giáo dục và đào tạo các vùng đồng bào dân tộc. Đồng thời cho rằng, trong giai đoạn tới, ngành giáo dục các địa phương cần tiếp tục phát huy vai trò tham mưu đối với lãnh đạo địa phương để tiếp tục thực hiện các giải pháp toàn diện nhằm phát triển giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Từ những kết quả đạt được, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị, các địa phương tiếp tục phấn đấu hơn nữa để duy trì kết quả đã đạt được và tập trung đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu khác để giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số thực sự phát triển bền vững.

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây